Phát triển các nhà máy điện rác là xu thế tất yếu bởi nó đem lại lợi ích nhiều mặt. Tuy nhiên, quá trình đốt rác sẽ sản sinh một lượng Tro đáy (Tro xỉ) nhất định, nhưng hiện tại vẫn chưa có các tiêu chuẩn, quy định, hướng dẫn sử dụng loại Tro này. Nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Giao thông Vận tải đã đề xuất và được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt thực hiện đề tài “Nghiên cứu tro đáy từ nhà máy đốt rác thải sinh hoạt làm vật liệu xây dựng”. Kết quả cho thấy, tro đáy từ nhà máy đốt rác đủ khả năng làm vật liệu đắp và vật liệu xây dựng, đáp ứng theo tiêu chuẩn ASTM D698-2012 và TCVN 9436:2012.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công thương, hiện cả nước có 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành thải lượng tro xỉ, thạch cao hơn 15,7 triệu tấn/năm. Dự kiến sau năm 2020, với 43 nhà máy hoạt động sẽ thải ra hơn 30 triệu tấn tro xỉ/năm, hầu hết các nhà máy chỉ có bãi thải chứa trong khoảng 5 năm và chủ yếu là chôn lấp. Hướng xử lý lượng tro xỉ khổng lồ hiện vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.
Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia xử lý Tro, Xỉ, Thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng.
Hiện nay, một số dự án nhà máy điện rác đã được khởi công xây dựng ở các tỉnh, thành phố như: TP. Hồ Chí Minh có công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày đêm; Vĩnh Tân (Đồng Nai) có công suất xử lý 600 tấn rác/ngày, Sóc Sơn (Hà Nội); Trạm Thản (Phú Thọ). Công nghệ xử lý rác bằng phương pháp đốt có nhiều ưu điểm như giảm thể tích của rác thải tới 80 - 90%, không cần diện tích đất lớn để chôn lấp trong bối cảnh các bãi chôn lấp đang ngày càng quá tải.
Tại Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng biên soạn và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật cho việc xử lý; sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng. Ngoài các tiêu chuẩn quốc gia về tro, xỉ, thạch cao đã được ban hành, hiện nay Bộ Xây dựng đang chỉ đạo xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật dự kiến ban hành trong năm 2017 và đầu năm 2018 cụ thể:
Các tiêu chuẩn quốc gia đã ban hành: TCVN 6882:2001 phụ gia khoáng cho xi măng, áp dụng cho Tro bay và Tro đáy; TCVN 8825:2011 Phụ gia khoáng cho bê tông đầm lăn, áp dụng cho tro bay, tro đáy; TCVN 7570: 2006 cốt liệu cho bê tông và vữa, áp dụng cho tro đáy; TCVN 4315:2007 Xỉ hạt lò cao dùng để sản xuất xi măng; TCVN 11586:2016 xỉ hạt lò cao nghiền mịn cho bê tông và vữa xây dựng; TCVN 10302:2014 phụ gia hoạt tính tro bay dùng cho bê tông, vữa xây và xi măng.
Xu thế phát triển nhà máy điện rác ngày càng được quan tâm và ứng dụng, thay thế phương pháp chôn lấp truyền thống, không chỉ đưa ra giải pháp xử lý tro đáy phát sinh từ nhà máy điện rác mà còn “khai phá” nguồn
vật liệu mới cho ngành xây dựng trong tương lai, góp phần giảm thiểm ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên thiên nhiên. Không những thế, việc biến tro xỉ thành vật liệu hữu ích đã khẳng định năng lực sáng tạo của các nhà khoa học trong nước, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và chung tay bảo vệ môi trường để hướng tới một tương lai xanh.
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY TNHH POMA VINA
Đc: 41/2A Dương Đình Hội, P Phước Long B, TP Thủ Đức, TP HCM
Điện thoại: 0901396959
Web: pomavina.com | Email: taxpoma@gmail.com